Bỏ qua nội dung

GS.Đặng Hùng Võ không đồng ý kết luận Thành ủy Hải Phòng

“Tôi cũng không đồng ý với nhận định đó (nhận định của Thành ủy Hải Phòng – PV). Bởi vì ở đây phải nói việc thu hồi là không đúng luật chứ không phải là chưa có phương án sử dụng đất đai sau khi thu hồi”, giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường phát biểu quan điểm trước những kết luận của Thành ủy Hải phòng ngày 7/2.

– Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng vừa ra quyết định đình chỉ công tác đối với Chủ tịch huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền và Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khanh để kiểm điểm trách nhiệm cá nhân. Theo ông, đây là quyết định vì sự thật, công bằng hay chỉ là biện pháp nhằm trấn an dư luận?

– Chúng ta nên tin đó là sự thật. Sau khi thảo luận thì tổ chức đã nhận ra những thiếu sót, những sai phạm trong khi thực hiện việc quản lý đất đai, xử lý đất đai ở Tiên Lãng. Và chúng ta tin rằng đó là sự thật. Nếu còn có vấn đề gì thì đó là câu chuyện sau này.

– Vụ “cưỡng chế” đất đai nhà ông Đoàn Văn Vươn đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nhưng lãnh đạo huyện Tiên Lãng chỉ bị cách chức, kiểm điểm, ông nghĩ sao?

– Tôi cho rằng đây là xử lý bước đầu. Và quyết định đình chỉ công tác để kiểm điểm là xử lý bước đầu. Còn khi kiểm điểm, khi xem xét tiếp vụ việc thì sẽ có nhiều việc khác, ở mức độ nghiêm trọng có liên quan đến các cá nhân này.

Sau khi tổ chức Đảng chủ trì kiểm điểm cá nhân đó và chính quyền cũng như vậy thì câu chuyện nó mới là bắt đầu. Thành ra chúng ta chưa thể nói đó là nặng hay nhẹ được.

 

– Bí thư Thành ủy Hải Phòng có dẫn chứng ra lý do sai phạm của chính quyền Tiên Lãng rằng: “Không có phương án sử dụng đất đai sau khi thu hồi để công khai đối với người có đất bị thu hồi”. Thưa ông, điều này có nghĩa sai phạm của lãnh đạo huyện Tiên Lãng chỉ là “chưa đưa ra phương án sử dụng đấy sau khi thu hồi”, còn việc thu hồi đất nhà ông Vươn vẫn đúng luật?

– Hôm qua tôi có nghe trên truyền hình, tôi cũng không đồng ý với nhận định đó. Bởi vì ở đây phải nói việc thu hồi là không đúng luật chứ không phải là chưa có phương án sử dụng đất đai sau khi thu hồi.

Theo tôi, đây mới chỉ là ý kiến riêng của đồng chí Bí thư đã phát biểu trên truyền hình. Tất nhiên, đồng chí có nói một ý rằng mọi việc tiếp theo về mặt pháp luật còn chờ ý kiến của Bộ Tài nguyên Môi trường.

Tôi cho rằng, đây mới chỉ là nhận định ban đầu và còn rất nhiều ý kiến của các Bộ có liên quan chứ không phải chỉ ý kiến của Bộ Tài nguyên Môi trường cũng như các tổ chức như Mặt trận Tổ Quốc. Cá nhân tôi cho rằng, Hội Nông dân cũng cần phải có ý kiến.

Và cuối cùng là quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đấy là yếu tố quan trọng nhất

– Ông nhận xét gì về “lý do” cách chức, “làm rõ trách nhiệm cá nhân” như vậy?

– Tôi vẫn cho rằng, bước đầu chúng ta phải làm như thế là hoàn toàn đúng. Bởi vì bước đầu để xem xét một việc cụ thể thì phải có chuyện kiểm điểm cá nhân, cá nhân nhận thức về những chuyện đã xảy ra.

Sau đó còn ý kiến của nhiều phía nữa thì mới có thể dẫn đến kết luận về sai phạm thấu đáo được.

– Sự việc xảy ra được hơn 1 tháng nhưng cho đến nay lãnh đạo Hải Phòng nói rằng chưa có kết luận ai là người phá dỡ nhà ông Vươn? Dư luận nghi ngờ phải chăng lãnh đạo Hải Phòng vẫn còn bao che cho cấp dưới. Ông nghĩ sao về việc này?

– Không thể kết luận ngay như thế được, bởi trước một vụ gọi là “phá nhà” mang tính chất phá hoại tài sản, tức là mang yếu tố hình sự mà để kết luận yếu tố hình sự thì chúng ta phải có thời gian, phải điều tra từ nhiều phía. Và tôi tin rằng, Hải Phòng cũng đang cho làm việc đó để có thể kết luận việc này.

Trước đây, Hải Phòng nói rằng là do dân phá. Thế nhưng báo chí chứng minh rằng không phải dân phá. Sau đó, về phía huyện Tiên Lãng cũng xác nhận không phải dân phá. Vậy thì, ở đây là ai phá?

Tất cả điều đó cho chúng ta thấy câu chuyện cũng phức tạp. Điều quan trọng nhất là vấn đề ai ra lệnh phá, tức là có người ra lệnh phá hay không? Nếu có thì là ai? Hay là tự họ tham gia vào việc phá? Họ phá chỉ vì muốn vơ vét của hay phá vì mục đích gì? Tất cả đều đang để ngỏ. Chúng ta phải có công tác điều tra xem xét cụ thể.

Sáng nay, báo chí cũng thông tin một số người dân tố cáo lãnh đạo Tiên Lãng và xã Vinh Quang đến thuê họ lái máy xúc phá nhà ông Vươn.

Chưa biết cụ thể thực hư vụ việc thế nào nhưng tôi cho rằng người phá cụ thể là có, nhân dân biết, vậy thì phải bắt đầu từ những người đó. Và đó là thủ tục của công tác điều tra.

 Qua vụ việc này GS có kiến nghị, đề xuất gì với Chính phủ và các cấp tổ chức thanh tra việc sử dụng đất đai tại các địa phương, đặc biệt là đất nông nghiệp?

– Những đề xuất đó, tôi cũng đã nói rất nhiều trong phần sửa Luật đất đai. Lần này tôi cho rằng câu chuyện đó là câu chuyện khác.

Ví dụ chúng ta có đổi mới về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, hoặc kéo dài ra hoặc bỏ thời hạn… Những thứ ấy hiện nay đang nằm trong vòng thảo luận của cơ quan xây dựng pháp luật.  Đó cũng là một trong những tiêu điểm sẽ được xem xét ở Hội Nghị TƯ lần tới và cũng được xem xét ở Quốc hội thông qua Luật đất đai mới.

Tất cả những câu chuyện đó tôi cho rằng đây là hệ quả, một sự bức xúc về pháp luật. Nó cũng là một yếu tố dẫn đến câu chuyện ở Tiên Lãng. Nhưng ta hãy để riêng chuyện đó ra, còn hiện nay chúng ta thấy rằng những xử lý mới bắt đầu.

Vậy thì chúng ta hy vọng rằng các cơ quan sẽ xử lý một cách rất chính xác với mục tiêu pháp luật đất đai được thực thi nghiêm. Không có chuyện địa phương cấp xã, cấp huyện thực hiện trái pháp luật đất đai.

Mục đích của chúng ta là sao cho người nông dân, những người trực tiếp sản xuất, những người rất cần sử dụng đất ổn định có thể đầu tư dài hạn, làm tăng năng suất và sản lượng của nông nghiệp.

Đó là những việc mà không chỉ tôi mà ai cũng muốn như vậy. Một đất nước pháp quyền thì phải có việc thực thi pháp luật nghiêm đối với tất cả các ngành luật khác nhau trong đó có luật đất đai.

Sự việc này Thủ tướng cũng có chỉ đạo làm rõ, tôi rất tin tưởng vào sự sáng suốt của Thủ tướng, và rất tin tưởng Thủ tướng sẽ có những quyết định chính xác để tạo ra những bước đi mới về mặt quản lý cho nước ta.

– Xin cảm ơn giáo sư!

Theo Phunutoday

Hải Phòng không được trả lời loanh quanh vụ ông Vươn

“Nếu chính quyền đúng, Đoàn Văn Vươn sai thì phải xử lý theo quy định của pháp luật. Còn nếu chính quyền làm sai thì phải nhận, không được trả lời loanh quanh và không được che giấu sai phạm”, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nói.

Chiều 6/2, trong buổi giao lưu trực tuyến tại báo Giáo dục Việt Nam về vụ cưỡng chế đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng, Hải Phòng), đại tướng Lê Đức Anh chia sẻ: “Tôi không tin một người có chí làm ăn, chưa từng vi phạm pháp luật mà lại đi chống đối chính quyền. Đến bây giờ tôi nghe mà vẫn không tin. Phải đặt vấn đề: ‘Tại sao người nông dân ấy lại làm vậy?’.

Nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh cho hay, đất của nông dân thu hồi làm gì thì chính quyền phải rõ ràng, thông báo trước cho dân ít nhất một năm và phải đền bù thỏa đáng cho tài sản của nhân dân nếu lấy đất.

“Thành ủy Hải Phòng và UBND TP Hải Phòng phải có trách nhiệm xử lý, làm sai chỗ nào thì phải nhận sai chỗ đó, không được trả lời loanh quanh và không được che giấu sai phạm. Nếu Hải Phòng xử lý không kiên quyết với những cán bộ làm sai thì chính tại nơi này cũng sẽ có thể xảy ra nhiều vấn đề bất ổn”, ông chia sẻ.

Ảnh: GDVN.
Đại tướng Lê Đức Anh: “Nếu Hải Phòng xử lý không kiên quyết với những cán bộ làm sai thì chính tại nơi này cũng có thể xảy ra nhiều vấn đề bất ổn”. Ảnh: GDVN.

Theo đại tướng, cần phải làm rõ các câu hỏi: Chính quyền thu hồi khu đất đó cho mục đích gì? Việc thu hồi của chính quyền Tiên Lãng có đúng pháp luật? Quyền lợi của người dân có được đảm bảo, nếu việc thu hồi là đúng? Có chuyện lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm việc riêng?

“Nếu chính quyền đúng, Đoàn Văn Vươn sai thì phải xử lý theo quy định của pháp luật. Còn nếu chính quyền làm sai, nhất là cố ý làm sai, vì động cơ cá nhân thì rất nguy hiểm. Muốn được lòng dân thì phải xử lý nghiêm những cán bộ làm sai, không xử lý nghiêm sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân”, vị đại tướng nói thêm.

Còn trung tướng Nguyễn Quốc Thước khẳng định, vụ Đoàn Văn Vươn không dừng lại ở việc giải quyết mấy chục ha đất mà từ việc xử sự của chính quyền địa phương đã đẩy vụ việc về kinh tế thành vụ việc về chính trị. Do đó, việc cần làm ngay là xử lý một cách kiên quyết, triệt để những sai phạm của chính quyền đã gây ra. Có như vậy mới lấy lại được lòng tin của dân.

Trước thông tin trong tuần này Thủ tướng sẽ chủ trì buổi họp với lãnh đạo các bộ, ngành và UBND TP Hải Phòng về vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão cho hay: “Đây là một trong những vụ đầu tiên Thủ tướng trực tiếp xem xét, giải quyết. Dư luận đòi hỏi và rất ủng hộ việc giải quyết đúng đắn việc này. Nếu giải quyết tốt sẽ tạo được niềm tin trong nhân dân. Thủ tướng là đại biểu Quốc hội Hải Phòng và Tiên Lãng, được nhân dân gửi gắm và kỳ vọng rất nhiều trong việc giải quyết vụ việc này”, ông .

Từng là Bí thư huyện ủy của một huyện biên giới miền núi thời chiến tranh nên ông Mão hiểu và hình dung được trách nhiệm của một người lãnh đạo chủ chốt. “Rõ ràng trong trường hợp này, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng không đủ trình độ lãnh đạo, do đó đã đưa ra những chủ trương sai lầm. Sau khi sự việc xảy ra thì đã không đủ độ mẫn cảm để xử lý một cách có lý, có tình sự việc”, ông thẳng thắn.

Cũng theo ông Mão, nếu là Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, ông sẽ “không xử lý như ông chủ tịch hiện tại”. Còn việc Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng đổ cho dân bức xúc phá nhà ông Vươn, ông Mão nhìn nhận “đây là hành động thiếu chín chắn, thậm chí thiếu trung thực, có phần vô trách nhiệm”.

Đánh giá đây là “bài học đắt giá” trong công tác cưỡng chế đất để nghiêm túc tìm ra bản chất, nguyên nhân của sự việc, ông Mão khẳng định, vụ cưỡng chế không chỉ là trách nhiệm của cơ sở mà cần làm rõ thêm trách nhiệm của các cơ quan cấp trên, kể cả các cơ quan của trung ương.

Tiến Dũng

Tiên Lãng, những phát ngôn đối ngược (Phần 2)

“Từ khi sự việc bị những kẻ côn đồ sử dụng vũ lực thì chưa ai hỏi thăm những người bị thương trong vụ cưỡng chế mà chỉ đưa ra các “tiểu tiết” thể hiện huyện Tiên Lãng toàn cường hào, ác bá”

Tiên Lãng, những phát ngôn đối ngược (Phần 1)

11/1: “Không phải người tốt, toàn ăn không”

 

Ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng:

“Anh Vươn không phải người tốt. Nói đúng ra, anh Vươn chẳng có công lao gì, cũng chẳng phải là người đi đầu vì sử dụng hàng chục ha và thu lời nhưng không đóng góp gì cho địa phương. Đặc biệt từ năm 2007 đến nay, anh hoàn toàn ăn không. Anh đắp đê để thu lợi cá nhân chứ có ích gì cho xã hội”  (Vnexpress, 11/1)

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngày 9/1, nhiều trang mạng phát hiện và đồng loạt đăng lại bài viết về công dân Đoàn Văn Vươn trên báo Đời sống và Pháp luật, tháng 7/2010.

Đoàn Văn Vươn đã quyết làm một điều gần như không tưởng: chinh phục “thần” biển. Chinh phục cả nỗi khát khao không chịu đầu hàng số phận. Thế là từ cuối những năm 80, những viên đá đầu tiên được chàng trai Đoàn Văn Vươn mang đến trong cuộc trường chinh lấn biển, tạo hành lang bảo vệ để lấy diện tích khai thác nuôi trồng thuỷ sản” (Đời sống và Pháp luật, tháng 7/2010)

“Khoảng năm 1992, sau khi nhận bằng kỹ sư nông nghiệp, Đoàn Văn Vươn trở về địa phương thực hiện hành trình lấn biển. Cả đại gia đình đã cật lực lao động trong nhiều năm trời. Họ đã đào đắp hàng chục ngàn mét khối đất, đá tạo hành lang bảo vệ để lấy đất khai thác, nuôi trồng thủy sản. Vừa lấn biển, chỉnh trị thủy triều vừa kiên trì trồng từng bụi sú vẹt để từ bãi triều mênh mông giờ đã thành rừng ngập mặn là tấm khiên phòng hộ, che chắn cho con đê.  Cuối cùng, ông Vươn đã chỉnh được dòng chảy ngoài đê biển Cống Rộc. Phía chân đê có chỗ sâu gần 2 m, cốt âm, đã được nâng lên cốt dương. Từ đó, hàng chục héc ta đất bãi bồi ven biển hình thành. Cũng theo đó, gần 70 ha rừng vẹt ngăn sóng biển đã bám trụ thành công. Dân Tiên Lãng gọi Vươn là “anh hùng lấn biển”. (Người Lao Động, 9/1)

Nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ (trái)  và Chủ tịch huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền (phải) với những lập luận ngược chiều về “vụ Đoàn Văn Vươn”

13/1: “Thu hồi không bồi thường căn cứ Luật Đất đai”

Ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng:

“Các quyết định giao đất đều đã quy định rõ hết thời hạn chủ sử dụng phải bàn giao không được bồi thường” “Huyện thu hồi không bồi thường căn cứ theo Điều 38 Luật Đất đai” ((Pháp luật TP Hồ Chí Minh, 13/1)

Ông Ngô Ngọc Khánh, chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng:

“Tôi không nắm đầy đủ về luật nhưng địa phương có thể căn cứ vào tình hình thực tế để giao thấp hơn, 4 năm, 5 năm, 10 năm… miễn là không quá 20 năm. Khi ký vào các văn bản giao đất, các chủ đầm đã đồng ý là hết thời hạn thì phải bàn giao lại cho huyện, không đòi bồi thường”.  (Thanh Niên, 11/1)

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường:

“Luật Đất đai năm 1993 quy định thời hạn giao đất nuôi trồng thủy sản là 20 năm. Chính quyền địa phương không thể làm trái luật. Nếu trong quyết định của UBND H.Tiên Lãng ghi là 14 năm thì phải coi như là giao cho người dân trong 20 năm, tính từ ngày ký, tức là năm 1997. Trong quyết định ghi tính từ năm 1993 là không đúng quy định. Như vậy, thời hạn giao đất cho ông Vươn đến năm 2017 mới hết hạn”.

“Trong trường hợp này, phải xem khu đất được giao có phải là đất khai hoang, phục hóa không. Nếu đúng vậy, cần phải tìm hiểu quy định về công nhận đất khai hoang của UBND TP.Hải Phòng. Thông thường, ở một số địa phương, chính quyền có thể công nhận toàn bộ diện tích đất khai hoang của các cá nhân, tổ chức đã bỏ công sức, tiền của để khai hoang, phục hóa đất đưa vào sản xuất” (Thanh Niên, 10/1)

Ông Lê Quốc Dung, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội:

“Chúng ta cần phải thông tin đến người dân, cán bộ chính quyền địa phương để họ hiểu đúng về Luật Đất đai. Không phải đến năm 2013 là thu hồi và chia lại. Đến thời điểm đó, nếu chính sách đất đai vẫn tiếp tục như hiện nay, người nông dân vẫn có nhu cầu sản xuất nông nghiệp thì họ vẫn được sử dụng.” (Dân Việt, 12/1)

Vợ con anh Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý bên ngôi lều dựng tạm tại khu đầm bị san phẳng, Ảnh Tuổi Trẻ


11/1: “Làm cái gì cũng phải có ý kiến chính quyền địa phương”

Một số phóng viên lấy máy ảnh ra ghi hình. Được một lúc bất ngờ xuất hiện một người đi từ trong khu đầm ra xưng là Vũ Hồng Lâm, SN 1970 – Công an viên xã Vinh Quang, và yêu cầu các phóng viên không được ghi hình khi chưa được sự cho phép của ông Lê Văn Hiền – Chủ tịch UBND huyện, vì ông Hiền có chỉ thị bằng văn bản về việc này. Tiếp đó, một đối tượng tên Khương, phóng xe lên, quệt vào một phóng viên. Vừa dừng xe lại đối tượng này cũng yêu cầu phóng viên không được ghi hình khi chưa có lệnh của chủ tịch… (Dân Việt, 11/1)

Ông Ngô Ngọc Khánh, chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng:

“…Người ta nói như thế mình cũng phải lưu ý là khi làm cái gì thì làm cũng phải có ý kiến của chính quyền địa phương một chút…” (Dân Việt, 11/1)

Ông Phạm Vũ Thư, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND TP Hải Phòng:

“Tôi còn bận rất nhiều việc nên chưa thể trả lời về vụ việc cưỡng chế đầm của ông Đoàn Văn Vươn. TP còn nhiều việc quan trọng”. “Anh mời cơm chứ làm việc thì anh không thể làm việc được ngay, chưa thể trả lời, phải có lịch làm việc. Có phải người phát ngôn lúc nào cũng bố trí để trả lời được ngay đâu”. (Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, 12/1)

Sau khi sự việc xảy ra, quần chúng nhân dân rất bất bình, đề nghị cơ quan chức năng phải sớm đưa ra xét xử nghiêm minh những người cố tình chống đối, coi thường pháp luật. (Cổng Thông tin Điện tử huyện Tiên Lãng)

 

12/1: Nhầm!

Ông Phạm Văn Phích, Phó Chánh án TAND TP Hải Phòng:

“Do sơ suất trong việc nghiên cứu và trả lời đơn khiếu nại của công dân nên thẩm phán này đã có sự nhầm lẫn: Một, giữa ông Đoàn Văn Vươn kiện UBND huyện Tiên Lãng; hai, ông Vũ Văn Luân cũng kiện UBND huyện Tiên Lãng về quyết định thu hồi đất.” (Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, 12/1)

“Thẩm phán Ngô Văn Anh – người thừa quyền Chánh án đã nhầm lẫn giữa trả lời khiếu nại của ông Vũ Văn Luân (một chủ đầm tôm xã Quang Vinh cũng thuê đất nuôi trồng thủy sản) thành trả lời khiếu nại dành cho ông Vươn. (Dân trí, 13/1)

 

13/1: “Phá nhà vì đối tượng chống đối ẩn náu”

Ông Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang:

“Có thể vị trí nhà bị sập nằm trong phần diện tích 21 ha chưa bị cưỡng chế nhưng đây là địa điểm xảy ra vụ án.” (Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, 12/1)

Ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng:

“Ngôi nhà bị phá sập nằm trong phần diện tích đầm chưa bị cưỡng chế nhưng là nơi chủ đầm tấn công lực lượng cưỡng chế. Lúc đó căn nhà bị đập là “áp dụng các biện pháp…”. (Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, 12/1)

“Vì đây là vị trí kẻ gây án ẩn nấp”  “đến giờ chúng tôi còn chưa rõ khu vực này còn mìn hay không”. (Vnexpress, 12/1)

“Ngôi nhà nằm trong diện tích đất chưa bị cưỡng chế nhưng đây là nơi các đối tượng cố thủ và tấn công các lực lượng cưỡng chế nên áp dụng biện pháp phá ngôi nhà”. (Người Lao Động, 13/1)

“Có xảy ra việc cưỡng chế khu vực nằm ngoài diện tích có trong quyết định cưỡng chế. Mặc dù ngôi nhà này không nằm trong diện tích cưỡng chế thu hồi đất theo Quyết định 461, nhưng do ngôi nhà này đã xảy ra vụ tấn công vào lực lượng cưỡng chế, là địa điểm xảy ra việc phạm tội nên cơ quan chức năng của H.Tiên Lãng phải sử dụng biện pháp phá ngôi nhà” (VietNamNet, 13/1)

Chủ tịch huyện Tiên Lãng, Lê Văn Hiền

14/1: “Chúng tôi rất đau lòng”

Ông Ngô Ngọc Khánh, chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng:

“Chúng tôi rất đau lòng về sự việc xảy ra hôm cưỡng chế. Chúng tôi xem đây là bài học lớn. Chúng tôi đã có một phần chủ quan, nghĩ là cưỡng chế dễ dàng nhưng không ngờ lại gặp phải sự phản kháng quyết liệt của người dân. Nếu sau này thực hiện các cuộc cưỡng chế, chúng tôi phải chuẩn bị kỹ càng và chu đáo hơn”. (Dân Trí 14/1)

Bà Nguyễn Thị Thương, vợ ông Đoàn Văn Vươn:

“Để có được thành quả như hiện nay, chồng tôi đã phải vay nợ ngân hàng cũng như người thân nhiều tỷ đồng, đặc biệt là sự trả giá cho việc mất đi đứa con gái đầu lòng vào năm 2001 tại khu đầm nơi chồng tôi và những người thân lao động nuôi trồng thủy sản…” (Dân Trí 14/1)

Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước:

“Nếu Đoàn Văn Vươn là một người lương thiện được người dân địa phương quý mến, vậy lý do gì khiến anh ta phải có hành vi tiêu cực như vậy. Điều này cần khẩn trương làm rõ. Thứ hai, tại sao sự việc lại để kéo dài nhiều năm, tại sao có sai sót mà không quản lý được, phải chăng chính quyền địa phương có sự buông lỏng quản lý. Gần hai chục hecta chứ đâu phải nhỏ như chiếc chén” (Giáo Dục 14/1)

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước:

Theo tôi sau vụ này, toàn bộ các cấp từ tỉnh huyện xã, đến tòa án, quân đội, công an đều phải nghiêm túc ngồi lại kiểm điểm và nghiêm khắc rà soát kỷ luật, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân. Mọi việc cụ thể còn phải chờ cơ quan chức năng điều tra tỉ mỉ, nhưng có điều rõ ràng vụ việc Tiên Lãng là một tổn thất chính trị lớn cho uy tín của các cấp ủy và chính quyền Hải Phòng và ảnh hưởng xấu đến cả nước” (Tuần Việt Nam 14/1)

16/1: “Không coi đối tượng giải phóng mặt bằng là tội phạm”

Ông Đỗ Hữu Ca – Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng:

“Công an Hải Phòng đã tham gia  hàng trăm vụ cưỡng chế, đều đạt kết quả tốt. Nhưng có phương pháp đúng là mọi việc êm đẹp ngay. Kể cả khi đối tượng đã tỏ thái độ chống đối rồi thì giải thích, thuyết phục vẫn có thể đem lại kết quả.

Bản chất vấn đề là bảo vệ lợi ích. Mà đã gọi là lợi ích thì sẽ có thiệt, hơn. Lấy lời phải ra mà khuyên giải họ, dẫu có không đạt được sự quy phục ngay thì cũng sẽ hiệu quả trong việc giảm bớt mức độ chống đối.

Từ xưa đến nay các vụ cưỡng chế phải xác định quan điểm giáo dục là chính. Tôi xin nhắc lại lần nữa là không thể coi đối tượng giải phóng mặt bằng là tội phạm, đừng để họ đối đầu với mình khi không cần thiết” (Công an Nhân dân, 16/1)

TS Hoàng Ngọc Giao Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật & Phát triển (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam):

“Điều nữa tôi cũng rất lo ngại là phía chính quyền, những người thực thi công vụ, đang có xu hướng lạm dụng lực lượng vũ trang trong cưỡng chế hành chính, nhất là khi liên quan đất đai”. (Tiền Phong, 17/1)

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Đặng Hùng Võ


17/1: “Dân bức xúc phá nhà ông Vươn”

Ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng:

17/1: “Lực lượng cưỡng chế không phá mà do nhân dân bất bình (với hành vi, thái độ của gia đình ông Đoàn Văn Vươn – PV) nên đã phá” (Đất Việt, 17/1)

“Đây chỉ là gian nhà xây lên để trông coi. Sau khi vào, tổ công tác cần rà phá bom mìn cho cả khu vực có tìm được vũ khí, vật liệu nổ. Tổ định không phá nhưng do nhân dân bất bình nên phá vỡ” (Sài Gòn Tiếp Thị, 17/1)

“Sau vụ nổ súng, chống người thi hành công vụ, lực lượng công an phải rà phá và tìm được vũ khí, vật liệu nổ trong nhà. Các đồng chí báo cáo không ra lệnh san phẳng nhà, nhưng do nhân dân bất bình nên vào phá, chứ còn lực lượng cưỡng chế của huyện, lực lượng công an không san phẳng nhà này” (Dân Việt, 18/1)

30/1: TP chưa khẳng định người dân bức xúc phá nhà hay chính quyền phá nhà dân mà theo báo cáo ban đầu của huyện Tiên Lãng là người dân phá.” (Tuổi Trẻ, 30/1)

1/ 2: “Nguyên văn câu nói đầy đủ của tôi là: theo báo cáo của UBND huyện Tiên Lãng gửi lên UBND TP Hải Phòng, việc phá nhà ông Vươn là do một số người dân bức xúc. Một số tờ báo đã dẫn không đầy đủ ý này của tôi. Điều này làm tôi rất buồn” (VTC, 1/ 2)

Bà Nguyễn Thị Hiếu ở xóm Kỳ, Vinh Quang:

“Ngay chiều 5/1, công an và một số lực lượng khác tiến hành đốt lều của nhà ông Vươn, khói ngập khu đầm. Hôm sau, họ lại đưa máy cẩu ra phá hủy toàn bộ khu nhà, công an cũng có mặt ở đó. Các ông ấy nói thế oan cho dân chúng tôi quá” (VTC, 20/1)

Anh Nguyễn Bách Khải ở xóm Chùa Dưới, Vinh Quang:

“Hôm đó, chúng tôi ra đê xem còn bị công an ngăn cấm, hỏi sao dân xuống được khu vực trang trại của ông Vươn. Nói dân phá nhà ông Vươn là nói nhắng. Các ông ấy nói thế là các ông ấy làm giảm lòng tin của dân vào chính quyền” (VTC, 20/1)

Ông Nguyễn Duy Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vinh Quang:

“Nhà của ông Vươn là do lực lượng chức năng dùng máy xúc phá” (Người Lao Động, 19/1)

Ông Vũ Hồng Khê (thôn Đông Dưới, xã Vinh Quang):

“Việc của ông Vươn không chỉ là chuyện riêng của xã Vinh Quang mà Nhà nước cần vào cuộc, làm rõ. Chính quyền lại dùng máy xúc san phẳng nhà dân rồi để người lạ đến chia “chiến lợi phẩm” từ gà chó, chặt chuối đến cả việc bắt cá tôm. Dân bất bình lắm”. (Người Lao Động, 19/1)

Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước:

“Bảo dân làm việc đó là không có. Dân đâu có quyền, mà dân không bao giờ làm được” (Giáo dục, 19/1)

GS.Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:

“Nói và làm phải căn cứ trên luật chứ đừng có nói linh tinh, tại sao một cán bộ ở tầm của Phó Chủ tịch thành phố Hải Phòng mà lại nói lăng nhăng như thế được? Cần phải hỏi cho rõ là vị lãnh đạo này của Hải Phòng nói như vậy là căn cứ vào điều luật nào, hay là anh tự nghĩ ra?” (Giáo dục, 19/1)

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương (Nguyên Phó chính ủy quân khu Tây Bắc, Cục Trưởng Tổng cục chính trị, Bộ Quốc phòng):

“Nếu chính quyền địa  phương không ra lệnh, thì không ai dám phá nhà người khác. Với những người hiểu về pháp luật, không khó gì trong việc tìm ra cái sai của chính quyền địa phương. Vấn đề là họ có dám thẳng thắn nhận sai hay ngoan cố, đùn đẩy trách nhiệm. Và chỉ có những người vô liêm sỉ mới không dám nhận cái sai của mình” (Giáo dục, 19/1)

Đại diện chính quyền Hải Phòng và Tiên Lãng


31/1: “Toàn khai thác tiểu tiết”

Ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng:

“Từ khi sự việc bị những kẻ côn đồ sử dụng vũ lực thì chưa ai hỏi thăm những người bị thương trong vụ cưỡng chế mà chỉ đưa ra các “tiểu tiết” thể hiện huyện Tiên Lãng toàn cường hào, ác bá” (Người Lao Động, 31/1)

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước:

“Sai lầm lớn nhất trong toàn bộ việc này là dư âm và hậu quả của nó sẽ không chỉ dừng lại ở phạm vi Tiên Lãng, Hải Phòng; mà sẽ tác động đến tình hình chung của toàn đất nước” (Tuần Việt Nam 14/1)

“Không có dân thì không thể có nước. Chỉ cần mỗi tỉnh có 1 huyện xảy ra vụ việc như thế này, thì đất nước ta sẽ trở thành gặp nguy hại như thế nào?” (Giáo Dục 14/1)

1/ 2: “Phải hỏi huyện, xã không nắm được”

Ông Lê Thanh Liêm – Chủ tịch xã Vinh Quang (em trai ông  Lê Văn Hiền, Chủ tịch huyện Tiên Lãng):

“Nhà của ông Quý nằm ngoài diện tích cưỡng chế. Việc nhà ông Quý bị giật sập và huy động máy xúc để cưỡng chế thì “phải hỏi huyện, xã không nắm được”.(Giáo Dục, 1 /2)

Về vụ trộm cá trong đầm “Việc này lực lượng công an xã không báo cáo nên chính quyền xã không nắm được. Hôm nay các đồng chí nói thì tôi mới biết”. (Tuổi Trẻ, 1/ 2)

Ông Vũ Đức Bốn, trưởng Công an xã Vinh Quang:

“Không có sự việc đầm nhà ông Vươn bị mất trộm cá. Gia đình ông Vươn đã tự te kích điện đánh bắt cách đây một tháng trước khi cưỡng chế. Không thấy anh em làm nhiệm vụ quản lý tại đầm báo cáo lại sự việc mất trộm cá này…”. (Tuổi Trẻ, 1/ 2)

2/2: “Công an không phá nhà ông Vươn”

Ông Đỗ Hữu Ca – Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng:

“Công an trong lực lượng cưỡng chế không được lệnh phá. Và CBCS công an không phá căn nhà vì sau khi lực lượng cưỡng chế rút đi, có lực lượng công an khác đến ghi nhận hiện trường rồi cũng rút chứ không phá gì cả. Hiện trường còn lại thuộc trách nhiệm của huyện.” (Giáo dục, 2/2)

“Tôi không ra lệnh anh em phá dỡ nhà của hai đối tượng Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý”. (VietNamNet, 2/2)

“Cứ theo Luật mà làm”

Ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng:

“Sẽ không bao che cấp dưới. Tổ chức, cá nhân nào vi phạm pháp luật trong vụ cưỡng chế đất đầm của Đoàn Văn Vươn sẽ được xử lý nghiêm theo pháp luật” (VietNamNet, 2/1)

“Quan điểm của tôi rõ ràng, cứ theo luật mà làm. Ai sai thì xử lý người đó, còn việc chống người thi hành công vụ thì phải xử lý. Nếu có dấu hiệu sai phạm của cơ quan nào, cá nhân nào thì cũng xử lý, không bao che. Đúng thì phải khẳng định, sai đến đâu xử đến đấy, đồng chí nào sai thì phải xử lý theo sai phạm đó”(Vnexpress, 2/1)

3/2: “Bài học quan trọng”

Ông Đan Đức Hiệp, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng:

Chúng tôi cho rằng sự việc ở Tiên Lãng là đáng tiếc, do việc tổ chức cưỡng chế làm không thật cẩn thận, không chu đáo và chọn thời điểm chưa thích hợp. Lãnh đạo thành phố trong những cuộc họp gần đây đã rút kinh nghiệm trong chỉ đạo các cấp, các ngành để không xảy ra những chuyện tương tự. Câu chuyện thu hồi đất, cưỡng chế, giải phóng mặt bằng là câu chuyện hằng ngày đối với Hải Phòng trong quá trình đầu tư, mở rộng và phát triển.Sự việc xảy ra ở Tiên Lãng là một bài học quan trọng đối với thành phố cũng như các cấp: Chúng ta phải dựa vào cơ sở luật pháp nhưng cũng phải trao đổi, làm rõ thấu tình đạt lý để hợp lòng dân.” (VOV, 3/1)

4/2: “Quan chức hưu nhầm lẫn”

Ông Vũ Hồng Chuân, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Tiên Lãng:

“Ở đây có một sự nhầm lẫn. Thậm chí cả một số quan chức ở trung ương về hưu vẫn cứ nói đây là đất sản xuất nông nghiệp nên phải giao cho người ta 20 năm”

“Không thể nói ông Vươn có công lớn bảo vệ đê điều và đầu tư trồng cây nắn dòng chảy nên không bị vỡ đê. Người ta nói ông ấy đóng góp nhiều là hoàn toàn không đúng. Huyện giao từ năm 1993, 7 năm đầu ông ấy không phải đóng bất cứ một thứ gì. Còn từ năm 2000 đến giờ đã 12 năm, tất cả ông nộp có 48 triệu đồng, chủ yếu là môn bài.

Ông ấy cho một người ở gần đó thuê có 6 ha mà mỗi năm ông ấy thu 30 triệu đồng. Người dân Vinh Quang mà phải thuê đầm của một người ở nơi khác. Một năm ông ấy không làm gì cũng có ít nhất 20 triệu đồng. Huyện chỉ có yêu cầu là phải chuyển sang đất cho thuê theo Luật Đất đai năm 1993 thế nhưng ông ấy không muốn thuê.

Thế mà ngày hôm qua, ông Đặng Hùng Võ lại vẫn còn từ Hà Nội không xuống dưới đây xem đất nó cụ thể thế nào mà vẫn cứ phát ngôn như thế” (Pháp luật TP HCM, 4/1)

5/2: Thủ tướng yêu cầu Hải Phòng trả lời rõ ba việc:

Thứ nhất: Việc giao đất, thu hồi đất đúng, sai ở điểm nào, trách nhiệm thuộc cá nhân nào? Thứ hai, việc tổ chức cưỡng chế có đúng quy định của pháp luật không, cách thức tiến hành cưỡng chế có đúng không, sai ở điểm nào? Nếu sai, ai chịu trách nhiệm?

“Tinh thần chung là xử lý đúng pháp luật. Tất cả các tổ chức, cá nhân nào đúng, sai đều công khai, minh bạch trách nhiệm, sai đến đâu, xử lý đến đấy. Kết quả cuộc họp này cũng sẽ được cung cấp thông tin công khai cho báo giới”. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam truyền đạt tinh thần của Thủ tướng. (VietNamNet, 5/1)

Tiên Lãng, những phát ngôn đối ngược

Hôm nay, (5/2), tròn 1 tháng ngày xảy ra vụ việc Tiên Lãng hiện vẫn đang là tâm chấn dư luận. Tuần Việt Nam tổng hợp lại toàn bộ những phát ngôn của đại diện chính quyền Tiên Lãng và Hải Phòng và ý kiến của các chuyên gia, cựu lãnh đạo và nhân dân Tiên Lãng theo trình tự thời gian từ khi xảy ra sự việc. Quyền bình luận xin nhường lại cho độc giả.

5/1: Chiến sĩ công an, bộ đội bị bắn trong vụ cưỡng chế

Đây là thông tin ban đầu, xuất hiện trên hầu hết các mặt báo. Những bản tin ngắn, không ai ngờ chỉ sau đó vài chục tiếng đồng hồ đã trở thành một cơn bão gây chấn động dư luận ngay những ngày đầu năm mới 2012.

6/1: “Đất quy hoạch, huyện tạm thời cho thuê”

 

Ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng:

“Khu đầm nằm trong vùng quy hoạch sân bay quốc tế Tiên Lãng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, tạm thời huyện cho thuê để “phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”. (Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, 5/1)

“Việc thu hồi 38,5 ha đầm nuôi trồng thủy sản tại bãi bồi sông Văn Úc, khu vực Cống Rộc, xã Vinh Quang do ông Đoàn Văn Vươn quản lý đến nay đã hết thời gian giao đất theo thẩm quyền” (Người Lao động, 5/1)

Ông Đoàn Văn Mễ, trưởng thôn Thúy Nẻo, xã Bắc Hưng, Tiên Lãng:

“Gia đình còn nghèo nhưng Vươn vay tiền tỉ quyết đầu tư hết vào đầm nuôi trồng thủy sản cùng em trai là Đoàn Văn Quý. Năm 1993, vợ chồng Vươn kéo nhau ra bãi bồi hoang ven biển đầu tư tiền của, công sức cải tạo thành đầm nuôi trồng thủy sản. Con gái đầu của vợ chồng Vươn bị chết đuối tại đầm từ nhỏ khi theo bố mẹ đi khai hoang” (Tiền Phong, 16/1)

Hai anh em Vươn – Quý và ngôi nhà 2 tầng bị san phẳng

Ông Phạm Văn Danh, nguyên Bí thư đảng ủy xã Vinh Quang:

“Để thực hiện “canh bạc” với trời đất, ông Đoàn Văn Thiểu, bố của Vươn đã phải bán đàn vịt 1.000 con và 20 tấn thóc. Vươn huy động tất cả anh chị em cùng bà con, làng xóm cùng tiến ra vùng biển hoang… Nhiều năm vật lộn với trời đất được đền đáp bằng bờ kè dài chừng hai km, tạo nên bãi bồi màu mỡ, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Khu đầm còn là lá chắn vững chãi cho khu dân cư phía trong đê. Tôi và cả xã Vinh Quang không ngờ Vươn làm được và thành công” (Vnexpress, 11/1)

7/1: Biên bản không có giá trị, có thể gây hiểu lầm!”

 

Bà Nguyễn Thị Mai, Chánh án TAND TP Hải Phòng:

“Biên bản tạo điều kiện để các đương sự tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án mà Thẩm phán Ngô Văn Anh lập không có giá trị pháp lý trong tố tụng hành chính”. “Biên bản thỏa thuận này có thể gây hiểu lầm cho người dân khiến họ coi đó là căn cứ pháp lý giải quyết vụ việc” (Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, 7/1)

“Pháp luật về tố tụng hành chính không cho phép tòa án công nhận thỏa thuận của các bên đương sự. Biên bản thỏa thuận nếu có chỉ là tài liệu để lưu hồ sơ, không được trao cho các bên đương sự vì không phải là căn cứ pháp lý” (Tuổi Trẻ 10/1)

Thẩm phán Ngô Văn Anh: (Văn bản trả lời khi ông Đoàn Văn Vươn có đơn kiến nghị gửi TAND TP Hải Phòng, ngày 25-6-2010):

 

“Trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm, TAND TP Hải Phòng đã tạo điều kiện để các đương sự tự thỏa thuận với nhau để giải quyết vụ án… Để được thuê đất, ông cần làm đơn (và hồ sơ xin thuê đất) gửi UBND huyện Tiên Lãng”. (Pháp Luật TP Hồ Chí Minh)

 

Ông Phạm Xuân Hoa, Trưởng phòng TN&MT, đại diện theo ủy quyền của UBND huyện Tiên Lãng:

 

“Nếu các hộ dân rút đơn thì huyện sẽ tiếp tục cho thuê đất theo quy định của pháp luật” (Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, 7/1)

Ông Vũ Văn Luân – người cùng khởi kiện quyết định của UBND huyện Tiên Lãng như ông Vươn:

“UBND huyện Tiên Lãng đã bội ước với tôi. Sau thỏa thuận ở TAND Hải Phòng, tôi rất tin tưởng chính quyền huyện Tiên Lãng sẽ tiếp tục giao mảnh đất mà chúng tôi đã gắn bó. Nào ngờ họ đã bội ước, thỏa thuận đặt bút ký vào rồi mà về địa phương thì họ bảo cứ phải giao đất rồi mới giải quyết sau”. (Tuổi Trẻ 10/1)

“Ngày 9-4-2010, tại trụ sở TAND TP Hải Phòng, Thẩm phán Ngô Văn Anh làm việc với tôi. UBND huyện cũng thấy yếu lý nên đồng ý thỏa thuận là chúng tôi rút đơn, đổi lại huyện sẽ không thu hồi, tiếp tục cho thuê đất.

Khi làm việc xong vụ của tôi, đóng dấu vào biên bản là đã hơn 11 giờ. Thẩm phán Ngô Văn Anh tiếp tục làm việc với anh Vươn và đại diện UBND huyện là ông Hè. Cũng như tôi, anh Vươn đồng ý rút đơn và ông Hè đồng ý rằng huyện sẽ tiếp tục cho thuê đất. Tôi cũng ngồi và chứng kiến cuộc làm việc này.

Tuy nhiên, vì quá muộn, cuộc làm việc ấy không kịp lập và đóng dấu biên bản nên thẩm phán hẹn sẽ gửi biên bản về sau. Chia tay, cả thẩm phán và hai bên đương sự đều vui, hẹn nhau ngày 29-4-2010, được nghỉ lễ, sẽ cùng nhau về chỗ đầm hải sản của chúng tôi uống rượu, hòa giải bắt tay nhau. Xem như cả chính quyền và dân đều nhẹ lòng.

Ngày 28-4-2010, nhớ lời hẹn, tôi và anh Vươn phân công nhau chuẩn bị hậu cần để hôm sau đãi khách nhưng gọi lên huyện để mời thì ông nào cũng cáo bận. Sau đó thì chính quyền quay ngoắt” (Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, 12/1)

Ông Phạm Công Hùng, Thẩm phán TAND Tối cao:

“Nếu do nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên người khởi kiện đồng ý rút đơn kháng cáo, đơn khởi kiện khi trong tay họ chỉ có một biên bản ghi nhận ý kiến của UBND huyện, còn quyết định thu hồi đất của họ vẫn đang tồn tại trên thực tế thì hơn ai hết, chính thẩm phán giải quyết vụ án đó phải phân tích cho họ nắm được hậu quả pháp lý của việc rút đơn để họ cân nhắc, quyết định. Chỉ khi làm được điều đó thì việc giải quyết mới triệt để, đúng pháp luật và công minh”. (Người Lao Động, ngày 9/1)

8/1: “Người dân rất đồng tình với việc cưỡng chế”

 

Ông Đỗ Hữu Ca – Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng:

 

“Năm nay tình hình tội phạm nhìn chung là bình thường, không có vấn đề gì cả, tức là vẫn theo quy luật chung ấy. Chỉ có một điểm đặc biệt nhất là vụ việc ở Tiên Lãng mấy ngày gần đây. Đối tượng của vụ việc này, ban đầu đâu phải là tội phạm”. (VnMedia, 8/1)

 

“Khi chúng tôi cưỡng chế, người dân nơi đây rất đồng tình. Tuy nhiên vụ việc có cái dở đó là tổ công tác khá chủ quan, không lường hết được các tình huống. Từ sau hòa bình đến nay, người dân Tiên Lãng khá thuần nên huyện nghĩ rằng không có việc chống đối như thế” .(Vnexpress)

Ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng:

“Sau khi vụ việc xảy ra, quần chúng nhân dân, nhất là nhân dân các xã khu vực ven biển huyện Tiên Lãng, rất bất bình, đề nghị cơ quan chức năng phải sớm đưa ra xét xử nghiêm minh đối với những người cố tình chống đối” (Tuổi Trẻ, 18/1)

Ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng:

“Chúng tôi khẳng định rằng việc thu hồi đất của huyện là hoàn toàn đúng đắn và đúng thẩm quyền pháp luật” (Giáo dục, 2/2)

Ông Lương Văn Trong, Phó Chủ tịch Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng:

“Việc thu hồi đất đối với hai hội viên là anh Vươn, ông Luân là trái pháp luật.  Đại diện cho chính quyền huyện Tiên Lãng đã ký thỏa thuận với người dân để giải quyết vụ án hành chính có sự chứng kiến của TAND TP nay lại lật lọng với thỏa thuận đó”. (Người Lao Động, ngày 9/1)

Đại diện chính quyền Hải Phòng và Tiên Lãng.

Ông Phạm Văn Danh, 82 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang:

Tôi thấy huyện ra quyết định thu hồi đất không thỏa đáng. Cả cuộc đời cậu ấy cùng mấy anh chị em bỏ ra bám biển sao không giao tiếp cho cậu ấy để người ta làm ăn trả nợ trả nần. Tòa đã hòa giải rồi, hứa hẹn cho thuê tiếp rồi mà lại ra quyết định cưỡng chế thu hồi là không cần thiết. Cần giải quyết bằng đối thoại chứ sao lại đối đầu như thế. Bây giờ cho máy móc phá tan nhà hai tầng của anh em cậu ấy khiến cho dân thắc mắc, xì xào khắp nơi. (Người Lao Động, ngày 9/1)

Ông Phan Văn Thọ, Cục phó Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất – Tổng cục Quản lý đất đai:

“Trong vụ việc này thấy rõ là người dân bức xúc. Cần phải tìm hiểu là do đâu. Vụ việc này có những vấn đề “bên trong” nhưng chưa biết được. Việc cưỡng chế thu hồi đất có thể chỉ là nguyên nhân ban đầu thôi! Đằng sau sự chống đối tiêu cực của người dân là gì, điều này thì chưa rõ. Giờ bàn luận là rất khó! Hơn nữa đã thành vụ án rồi, nên vụ việc rất phức tạp. Hiện ở một số nơi, quan hệ giữa chính quyền, công an, tòa án với người dân có nhiều vấn đề”. (Pháp luật TP Hồ Chí Minh, 10/1)

Luật sư Lê Đức Tiết – Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật MTTQ VN:

“Trong thời gian về tận địa phương tìm hiểu sự việc, đoàn chúng tôi tiếp xúc với 11 người không hẹn trước, trong đó có những đảng viên lão thành, có người nguyên là bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang, có người có đất bị thu hồi, có những người không có liên quan gì… Tất cả họ đều không tán thành với việc làm của chính quyền nơi đây. Người dân cho rằng chính quyền có những xử lý trái đạo lý, trái luật pháp. Có nhiều người nói đây là vụ việc bất bình thường.” (Dân Việt 30/1)

“Rất là hay, rất là đẹp”

 

Ông Đỗ Hữu Ca – Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng:

 

Vụ việc hôm ấy tuy bắt không được đối tượng nhưng mà trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này. Một là, anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa có bao giờ trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài, vòng trong thế nào. Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách. Tôi nói với các đồng chí Thường trực rằng đây không phải kế hoạch tập trận nhưng đúng là phải rút kinh nghiệm, cái này nó rất là hay, có sự kết hợp giữa địa phương, giữa công an, quân đội, biên phòng rất là đẹp, đâm ra không có gì phải phàn nàn về cái chuyện ấy cả. (VnMedia, 8/1)

 

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội:

Khi thấy ông Đỗ Hữu Ca nói rằng “vụ cưỡng chế là một chiến tích lớn của công an Hải Phòng”, tôi vô cùng sửng sốt, không thể tin nổi đây là ý kiến của một giám đốc công an TP. Ông Ca dùng các cụm từ “rất là hay”, “rất là đẹp” nói về sự phối hợp tác chiến trong vụ cưỡng chế. Thú thật là tôi không biết bình luận thế nào.

Những phát ngôn và cách nhìn nhận hoàn toàn trái ngược nhau giữa chính quyền và các nhà lãnh đạo lão thành, chuyên gia nhân sỹ

Tôi chỉ nhớ nhà thơ Việt Phương từng kể một mẩu chuyện về Bác Hồ mà ông đề cập đến trong bàiMuôn vàn tình thương yêu trùm lên khắp quê hương. Có lần Bác Hồ đã gạch bỏ cụm từ “trận đánh đẹp” trong một văn bản trình lên Bác. Bác nói một trận chiến làm chết nhiều người, dù người ở phía nào chăng nữa, đều không thể gọi là một trận đánh đẹp. Đấy là đánh nhau với địch, còn đây là quan hệ với dân.

Ông Ca còn bảo định viết thành giáo trình nghiệp vụ, thì tôi không hiểu giáo trình ấy viết ra để dạy ai?(Tuần Việt Nam, 3/1)

(còn tiếp)

Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hải Phòng làm rõ thêm

(Dân Việt) – Theo ông Vũ Đức Đam, UBND TP. Hải Phòng đã có báo cáo sơ bộ vụ việc. Tuy nhiên, do báo cáo của Hải Phòng chưa bảo đảm yêu cầu của Thủ tướng nên Thủ tướng đã tiếp tục yêu cầu Hải Phòng làm rõ thêm.

 

Tại phiên họp báo Chính phủ chiều 4.2 tại Hà Nội, trả lời về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc ở Tiên Lãng, Thủ tướng đã yêu cầu UBND TP. Hải Phòng xem xét làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc giao đất, thu hồi và cưỡng chế đối với ông Đoàn Văn Vươn.

“Tất cả mọi việc phải được xử lý công bằng, đúng luật. Mọi tổ chức, cá nhân đúng sai đều phải công khai minh bạch về trách nhiệm, sai đến đâu sửa đến đó. Kết luận cuộc họp của Thủ tướng cũng sẽ được công khai” – ông Đam nói.

Cũng theo ông Đam, UBND TP. Hải Phòng đã có báo cáo sơ bộ vụ việc. Tuy nhiên, do báo cáo của Hải Phòng chưa bảo đảm yêu cầu của Thủ tướng nên Thủ tướng đã tiếp tục yêu cầu Hải Phòng làm rõ thêm.

“Tại phiên họp lần này, Chính phủ có nghe báo cáo về tổng kết Hiến pháp, trong đó có nội dung về Luật Đất đai. Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan về sửa Luật Đất đai. Tới đây, Chính phủ, Trung ương cũng sẽ bàn về vấn đề này” – ông Đam nói thêm.

Về các đoàn kiểm tra, văn bản của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng đều được công khai. Theo quy định hiện hành, việc tổ chức thanh tra phải theo trình tự, quy định. Đến thời điểm này, Thủ tướng chưa quyết định tổ chức đoàn thanh tra mà chỉ yêu cầu Hải Phòng, các bộ ngành liên quan nắm chắc vụ việc để Thủ tướng chủ trì cuộc họp chỉ đạo giải quyết vụ việc.

5 kiến nghị của đại diện dân Tiên Lãng

Liên quan đến việc cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, Liên chi Hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ Tiên Lãng vừa có 5 kiến nghị gửi đến UBND TP. Hải Phòng.

Thứ nhất, đề nghị Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu UBND huyện Tiên Lãng thu lại toàn bộ thông báo dừng đầu tư và quyết định thu hồi đất của toàn bộ hộ dân nuôi trồng thủy sản mà huyện Tiên Lãng đã ban hành bất hợp pháp.

Thứ hai, kiến nghị chỉ đạo thu hồi toàn bộ hai quyết định cưỡng chế áp dụng đối với ông Đoàn Văn Vươn và ông Vũ Văn Luân.

Thứ ba, nhanh chóng giao lại đất cho bà con để sản xuất và làm nghĩa vụ với Nhà nước.

Thứ tư, bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình ông Vươn mà UBND huyện Tiên Lãng đã gây ra từ việc cưỡng chế.

Thứ năm, phải truy tố tất cả cá nhân liên quan gây ra việc chiếm đoạt và hủy hoại tài sản công dân có tổ chức của UBND huyện Tiên Lãng đối với gia đình ông Vươn .

Lòng dân là thước đo công lý

(Dân Việt) – Phạm tội thì xử, bất kể ai, gia đình anh Vươn hay cán bộ huyện xã coi thường pháp luật. Dân không là luật sư, dân cũng không có quyền phân xử như tòa án. Nhưng dân biết vụ án này từ đâu mà có…

Có những chuyện tưởng như đùa, tưởng như không thể xảy ra. Nhưng rồi vẫn xảy ra. Chưa từng xảy ra chuyện người dân, rất nhiều người dân trong cả nước, gửi tiền ủng hộ những người tù vừa phạm tội bắn đạn hoa cải vào công an, bộ đội. Họ viết thư cho một tờ báo đề nghị mở sổ quyên góp.

Một blogger nổi tiếng kêu gọi quyên góp. Và người quyên góp thì gồm đủ, từ em bé đang đi học đến cán bộ nhiều tuổi đã nghỉ hưu, phải kể cả đồng bào đang sống ở nước ngoài nữa. Mà số tiền đâu có ít. Những ba bốn trăm triệu đồng. Thật là chuyện xưa nay hiếm. Chưa từng có chuyện dân góp tiền ủng hộ người tù, dù tù tạm giam chưa xử.

Điều ấy nói lên lòng dân. Không phải dân bênh người bắn vào công an. Dân vẫn thông cảm những người phải thi hành mệnh lệnh mà mang thương tích. Nhưng dân, có thể có người chưa đọc báo, chưa nắm thật rõ thông tin, bằng trực giác của mình cảm thấy vụ cưỡng chế do ông chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) tên là Lê Văn Hiền chỉ đạo tiến hành, dẫn tới vụ bắn vào công an của một kỹ sư và mấy anh nông dân thực sự có vấn đề.

Những người phạm pháp trước đó vốn không phải tội phạm. Họ có học, làm ăn chăm chỉ, to gan lấn biển lập đất. Họ không phải là loại ăn tục nói phét. Họ đánh cược cả cuộc đời của mình, của gia đình mình vào sự nghiệp mở mang bờ cõi ra Biển Đông bằng mồ hôi nước mắt và đã thành công. Vậy mà tại sao họ lại phải liều mình như không có, bắn trả công an để chuốc lấy tội lỗi?

Lương tri luôn ở với dân và dân có câu trả lời của mình, không phải nói lý, cãi cối cãi chày như mấy ông quan chức dính chàm đang hốt hoảng chối tội chạy tội mà bằng trái tim trong sáng. Dân thấy những người lấn biển bị đẩy vào bước đường cùng, việc chống lại mấy người đến đuổi họ ra khỏi khoảnh đất được tạo dựng bằng mồ hôi nước mắt của họ tuy phạm pháp nhưng vẫn có thể lấy cái tình người để bào chữa, để lý giải. Của đau thì con xót. Chỉ những người ăn bẩn của dân, tham ô nhũng lạm mới không biết tiếc của.

Anh Vươn và anh em chỉ có hai con đường. Hoặc là vào tù, hoặc cất lên được một tiếng nói cảnh báo của người bị oan ức. Và hơn ai hết, dân biết đặt chuyện nào vào chuyện nấy. Phạm tội thì xử, bất kể ai, gia đình anh Vươn hay cán bộ huyện xã coi thường pháp luật. Dân không là luật sư, dân cũng không có quyền phân xử như tòa án. Nhưng dân biết vụ án này từ đâu mà có, từ ai mà ra bằng sự thấu hiểu không cần thuyết lý dài dòng của “dân vạn đại”.

Chính vì lòng dân như thế, vì tiếng nói của dân (thông qua báo chí và mạng Internet) đã đánh động cho các nhà cầm quyền, nhanh chóng vượt qua được mớ báo cáo tù mù, phiến diện của cấp dưới để đặt vụ Tiên Lãng lên bàn nghị sự.

Hoan nghênh Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, hoan nghênh Chính phủ và các bộ liên quan đã kịp thời tiến hành thanh tra vì nghe được tiếng dân, lòng dân. Bây giờ dân đang chờ sự trung thực, công bằng của các vị và chắc các vị biết nó quan trọng đến thế nào đến niềm tin của xã hội.

Test 3: Cận cảnh chiến đấu cơ tàng hình Trung Quốc

Những hình ảnh về chuyến bay thử nghiệm mới nhất của J-20 tiếp tục được một cư dân mạng Trung Quốc chụp và đưa lên các trang mạng ở nước này. Tuy nhiên, các bức ảnh lần này cho thấy hình ảnh J-20 rõ nét và gần hơn.

Thời báo Hoàn cầu dẫn lời Xu Yongling, một trong những phi công bay thử nghiệm hàng đầu Trung Quốc, cho hay: “Khác với các máy bay chiến đấu như J-7 hay J-8, những loại máy bay có sự tiếp thu ưu điểm từ các phi cơ của nhiều quốc gia khác, J-20 là một kiệt tác sáng tạo công nghệ của Trung Quốc”.

Phi công Xu còn so sánh máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên của Trung Quốc với các chiến đấu cơ tàng hình khác như F-22 Raptor của Mỹ và Sukhoi T-50 của Nga. Trong ảnh là cận cảnh phần đuôi chiếc J-20, với biểu tượng ngôi sao và chữ “Bát nhất” của quân đội Trung Quốc.

Bức ảnh chụp phần đầu của chiếc J-20 cho thấy loại máy bay tàng hình này có khoang lái dành cho một phi công duy nhất. Phi công Xu chia sẻ thêm rằng J-20 có khả năng bay siêu thanh cũng như hoạt động mạnh mẽ trên không trung. Đây được coi là những đột phá công nghệ của Trung Quốc.stealth fighter jet “innovative, not stolen from U.S. plane”)

Một góc chụp khác cho thấy phần đầu của chiếc máy bay tàng hình mà quân đội Trung Quốc kỳ vọng có thể đưa vào biên chế trong khoảng từ năm 2017 tới năm 2019.

Khác với một lần thử nghiệm khác hồi đầu tháng một khi chỉ chạy trượt trên đường băng, chiếc J-20 lần này đã thực sự cất cánh bay lên không trung.

Mỗi chiếc J-20 có giá thành xuất xưởng là 110 triệu USD. Trung Quốc hiện có hai mẫu máy bay loại này để phục vụ các cuộc thử nghiệm từ đầu năm ngoái tới nay.

Chiến đấu cơ tàng hình J-20 là một trong số các phi cơ tiêm kích nói riêng và các vũ khí mới nói chung mà Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm, trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội.
Hà Giang (Ảnh: Huanqiu

Test 2: Vị giáo sư sử học trong căn phòng 6 m2

Kết thúc buổi giảng bài cho vài sinh viên nước ngoài, GS Lê Văn Lan thong thả tản bộ về nhà trên phố Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm), cách nơi dạy chừng một km. Cất túi vải lên một chồng sách, ông lại xuống quán cơm cạnh chợ Hàng Da mua một suất cơm hộp. “Hơn chục năm nay tôi sống một mình, ăn một mình. Bà bán cơm đã quen đến nỗi nhìn thấy tôi thì tự động lấy cơm và đồ ăn cho vào hộp, tôi cũng tự động lấy 25.000 đồng đưa cho bà mà không cần nói thêm câu nào”, ông cười giải thích.

Là một trong những người sáng lập Viện Sử học Việt Nam, GS Lê Văn Lan nhiều năm làm cố vấn lịch sử cho các chương trình, chuyên mục truyền hình và báo chí, tiêu biểu như Đường lên đỉnh Olympia. Khi nghỉ hưu, ông được hưởng lương hưu ngang với bậc lương thứ trưởng, nhưng lại chọn cuộc sống bình dị trong căn phòng 6 m2 chất đầy sách. Đồ đạc chỉ bộ bàn ghế ngồi làm việc và duy nhất một chiếc ghế dành cho khách.

Ông kể, khi còn trẻ từng là cậu chủ trong một gia đình giàu có với nhiều biệt thự trên phố lớn của thủ đô, nhưng khi miền Bắc bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, gia đình đã quyết định hiến tất cả cho nhà nước. Cả nhà chuyển đến ở nhờ căn buồng tại tòa nhà gồm 17 buồng của một cặp giáo sĩ người Mỹ đã hồi hương.
Cách đây vài năm, Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị gọi điện báo sẽ đến thăm, GS Lan từ chối vì “nhà rất chật chội, chỉ có một ghế cho khách thôi”. Thế nhưng theo đúng hẹn Bí thư Nghị vẫn đến cùng một đoàn cán bộ của thành phố. Nhà có duy nhất chiếc ghế khách ông Nghị ngồi, còn thầy Lan thì ngồi ở ghế thường ngày làm việc.

“Vì đã nhắc nhở ông Phạm Quang Nghị trước là không có chỗ ngồi nhưng ông ấy không tin, lại còn bảo “không có chỗ ngồi thì bọn em đứng”. Hôm đó tôi đã nói rất nhiều chuyện, thế mà họ vẫn đứng và trao đổi rất vui vẻ. Năm nay bận việc không đến được, nhưng ông Nghị vẫn gửi quà chúc Tết tôi”, thầy Lan cười cho hay.

Những lúc rảnh rỗi, giáo sư Lê Văn Lan qua chợ Hàng Da đi dạo một vòng. Nhìn thấy ông, các bà, các mẹ đều nở nụ cười, một số còn chụp ảnh cùng, xin chữ ký. Đó là khoảnh khắc ông cảm thấy vui nhất.

Xuất hiện thường xuyên trên các chương trình truyền hình, các lễ hội, chuyến đi nghiên cứu nhưng vị giáo già cho biết thu nhập của ông không đáng kể. “Người ta thích và mời tôi tham gia vì đa số đều miễn phí”, ông giải thích.

Với vị giáo sư, những việc ông làm đều vì danh dự và mong muốn đưa đến cho mọi người nụ cười. “Những năm trước trên đường phố khoảng 70% người gặp đã nhận ra tôi, nhưng giờ thì lên 90% rồi, kể cả những vùng cực kỳ hẻo lánh. Khi lên hồ Ba Bể, tôi thấy bà mế bán ổi rừng, na bên vệ đường, tôi muốn mua. Bà ấy cười khi nhận ra tôi và bảo rằng “cho mày đấy”, GS Lê Văn Lan kể.

Điều làm người đàn ông sinh năm 1936 hạnh phúc hơn là 100% số người gặp ông đều cười. “Chính vì nụ cười ấy mà tôi làm việc”, giáo sư xúc động. Ngoài ra, thầy Lan còn đến các chùa làm từ thiện, làm sách cho nhà chùa. Những ngày bắt đầu năm mới, thầy đến các lễ hội vì người ta mời làm cố vấn.

Hiện có 2 cháu trai, 2 cháu gái, cháu lớn nhất 25 tuổi, GS Lê Văn Lan chia sẻ, khi ông mất, tài sản lớn nhất của ông là sách sẽ được đốt đi bởi ông quan niệm: “Chúng ta xẹt qua bầu trời này nhanh lắm, vấn đề là đừng làm vẩn đục bầu trời. Những sản phẩm mà chúng ta tâm huyết, đau đáu, khi mình xẹt qua rồi đừng làm cho nó thành rác vũ trụ”.

Test 1: Không khí ở Việt Nam bẩn thứ 10 thế giới

Hai trung tâm nghiên cứu môi trường thuộc Đại học Yale và Columbia của Mỹ thực hiện báo cáo thường niên mang tên The Environmental Performance Index (EPI), khảo sát 132 quốc gia. Họ sử dụng số liệu vệ tinh để đo đếm nồng độ ô nhiễm và từ đó tính toán ra mức độ “bẩn” ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào.

EPI xếp hạng các nước dựa trên việc chỉ số đánh giá việc thực hiện các chính sách liên quan đến môi sinh-y tế và chất lượng hệ sinh thái. Các chỉ số này là một trong các thước đo đánh giá ở cấp độ quốc gia, xem mỗi quốc gia đã tiến gần đến mục tiêu đặt ra về môi trường hay chưa.

Kết quả nghiên cứu được công bố theo từng quốc gia (country profile), gồm nhiều chỉ số như chất lượng không khí, nước, ảnh hưởng của môi trường đến sức khỏe, nông nghiệp, biến đổi khí hậu, rừng….

Về ảnh hưởng của chất lượng không khí, Việt Nam đứng thứ 123 trong bảng xếp hạng 132 quốc gia khảo sát.

Về ảnh hưởng của môi trường đến sức khỏe, Việt Nam đứng vị trí 77. Về chất lượng nước Việt Nam được xếp hạng 80. Tính theo chỉ số chung EPI, Việt Nam xếp thứ 79.

Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam cho biết, môi trường không khí của hầu hết các khu vực trong thành phố đều bị ô nhiễm bụi, đặc biệt là ở các nút giao thông, các khu vực có công trường xây dựng và nơi tập trung hoạt động sản xuất công nghiệp.

Các chuyên gia cho biết, không khí ô nhiễm, đặc biệt là các dạng hạt nhỏ trong không khí sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Không khí bẩn và các hạt nhỏ gay nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp, bệnh về phổi. Các hạt nhỏ có thể vượt qua rào chắn như khẩu trang, chất nhờn ở trong mũi, miệng để chui vào và nằm lọt trong phổi, gây bệnh nguy hiểm và lâu dài.

Không khí bẩn cũng là tác nhân tạo ra tỷ lệ mắc bệnh về tai, mắt và da cao.

Hello world!

Welcome to WordPress.com. After you read this, you should delete and write your own post, with a new title above. Or hit Add New on the left (of the admin dashboard) to start a fresh post.

Here are some suggestions for your first post.

  1. You can find new ideas for what to blog about by reading the Daily Post.
  2. Add PressThis to your browser. It creates a new blog post for you about any interesting  page you read on the web.
  3. Make some changes to this page, and then hit preview on the right. You can always preview any post or edit it before you share it to the world.