Bỏ qua nội dung

Lòng dân là thước đo công lý

Tháng Hai 6, 2012

(Dân Việt) – Phạm tội thì xử, bất kể ai, gia đình anh Vươn hay cán bộ huyện xã coi thường pháp luật. Dân không là luật sư, dân cũng không có quyền phân xử như tòa án. Nhưng dân biết vụ án này từ đâu mà có…

Có những chuyện tưởng như đùa, tưởng như không thể xảy ra. Nhưng rồi vẫn xảy ra. Chưa từng xảy ra chuyện người dân, rất nhiều người dân trong cả nước, gửi tiền ủng hộ những người tù vừa phạm tội bắn đạn hoa cải vào công an, bộ đội. Họ viết thư cho một tờ báo đề nghị mở sổ quyên góp.

Một blogger nổi tiếng kêu gọi quyên góp. Và người quyên góp thì gồm đủ, từ em bé đang đi học đến cán bộ nhiều tuổi đã nghỉ hưu, phải kể cả đồng bào đang sống ở nước ngoài nữa. Mà số tiền đâu có ít. Những ba bốn trăm triệu đồng. Thật là chuyện xưa nay hiếm. Chưa từng có chuyện dân góp tiền ủng hộ người tù, dù tù tạm giam chưa xử.

Điều ấy nói lên lòng dân. Không phải dân bênh người bắn vào công an. Dân vẫn thông cảm những người phải thi hành mệnh lệnh mà mang thương tích. Nhưng dân, có thể có người chưa đọc báo, chưa nắm thật rõ thông tin, bằng trực giác của mình cảm thấy vụ cưỡng chế do ông chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) tên là Lê Văn Hiền chỉ đạo tiến hành, dẫn tới vụ bắn vào công an của một kỹ sư và mấy anh nông dân thực sự có vấn đề.

Những người phạm pháp trước đó vốn không phải tội phạm. Họ có học, làm ăn chăm chỉ, to gan lấn biển lập đất. Họ không phải là loại ăn tục nói phét. Họ đánh cược cả cuộc đời của mình, của gia đình mình vào sự nghiệp mở mang bờ cõi ra Biển Đông bằng mồ hôi nước mắt và đã thành công. Vậy mà tại sao họ lại phải liều mình như không có, bắn trả công an để chuốc lấy tội lỗi?

Lương tri luôn ở với dân và dân có câu trả lời của mình, không phải nói lý, cãi cối cãi chày như mấy ông quan chức dính chàm đang hốt hoảng chối tội chạy tội mà bằng trái tim trong sáng. Dân thấy những người lấn biển bị đẩy vào bước đường cùng, việc chống lại mấy người đến đuổi họ ra khỏi khoảnh đất được tạo dựng bằng mồ hôi nước mắt của họ tuy phạm pháp nhưng vẫn có thể lấy cái tình người để bào chữa, để lý giải. Của đau thì con xót. Chỉ những người ăn bẩn của dân, tham ô nhũng lạm mới không biết tiếc của.

Anh Vươn và anh em chỉ có hai con đường. Hoặc là vào tù, hoặc cất lên được một tiếng nói cảnh báo của người bị oan ức. Và hơn ai hết, dân biết đặt chuyện nào vào chuyện nấy. Phạm tội thì xử, bất kể ai, gia đình anh Vươn hay cán bộ huyện xã coi thường pháp luật. Dân không là luật sư, dân cũng không có quyền phân xử như tòa án. Nhưng dân biết vụ án này từ đâu mà có, từ ai mà ra bằng sự thấu hiểu không cần thuyết lý dài dòng của “dân vạn đại”.

Chính vì lòng dân như thế, vì tiếng nói của dân (thông qua báo chí và mạng Internet) đã đánh động cho các nhà cầm quyền, nhanh chóng vượt qua được mớ báo cáo tù mù, phiến diện của cấp dưới để đặt vụ Tiên Lãng lên bàn nghị sự.

Hoan nghênh Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, hoan nghênh Chính phủ và các bộ liên quan đã kịp thời tiến hành thanh tra vì nghe được tiếng dân, lòng dân. Bây giờ dân đang chờ sự trung thực, công bằng của các vị và chắc các vị biết nó quan trọng đến thế nào đến niềm tin của xã hội.

From → Uncategorized

Gửi bình luận

Bình luận về bài viết này